Đôi điều về chữ "NHỤC"

Từ thuở còn đi học phổ thông, qua nhưng câu chuyện lịch sử về các bậc anh hùng tiền nhân đi trước, tôi và các bạn tôi đều thích câu "Chết vinh còn hơn sống nhục". Ý nghĩa của lời dậy này, chắc hẳn không cần phải viết ra, bởi nó đã rất rõ rành trong từng chữ.

Trong kho tàng những thứ quý giá nhất mà cha ông để lại, cũng có câu "Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại" cũng với ý cố mà khoe những thế mạnh, điều tốt đẹp của mình ra, còn những thứ chưa tốt thì đừng để người ngoài thấy, là anh em trong nhà thì "đóng cửa bảo nhau", để cùng nhau trở lên tốt hơn.

Thế mà, giờ có rất nhiều người sẵn sàng sống nhục, thấy nhục và kêu gào lên cho người ta biết rằng mình đang rất nhục, nhục nhã, nhục thể, nhục nhục.Cứ vài bữa lại thấy cái NHỤC tràn lan ở khắp các trang báo, mạng xã hội. Người kêu nhục thì hẳn là một lẽ, người khác thấy họ kêu gào, lẽ ra phải bảo "Thế thì chết đi cho đỡ nhục", thì lại kêu gào cùng, như kiểu đồng cảm, như ủng hộ, như là thấy bản thân mình cũng có cái nhục trong đó.

Tất nhiên, người ta nhục vì những việc xấu, việc càng xấu thì nhục càng lâu, càng lan, xấu đến mức mang tầm quốc tế, thì nỗi NHỤC cũng nâng lên tầm quốc tế. Còn những việc tốt đẹp, dù có mang tầm quốc tế, thì cũng chỉ được rất ít người khoe ra hộ, ít người kêu gào giúp, mà nếu có thì đa phần là ác cảm, ghen ghét, dìm cái tốt đẹp đó để nó bớt tốt đẹp đi.

Tình cờ được xem bộ phim tài liệu "Chuyện tử tế" của NSND Trần Văn Thủy, rồi tìm hiểu thêm về sự nghiệp của ông, xem thêm được "Hà Nội trong mắt ai", để rồi phải mò mẫm mất cả tuần để kiếm bản có chất lượng kha khá, tải về lưu trên máy, thi thoảng bật lên xem và ngẫm...

Ngẫm thấy chữ "NHỤC" giờ khác xưa nhiều quá!


Comments

Vui lòng để lại ý kiến của bạn nhé!

Archive

Contact Form

Send